Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Bobruysk

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 1 do đại tướng Konstantin Konstantinovich Rokossovsky làm tư lệnh, thượng tướng M. S. Malinin làm tham mưu trưởng. Thành phần tham gia chiến dịch gồm có:

  • Tập đoàn quân 3 do trung tướng A. V. Gorbatov chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: 10 sư đoàn
    • Pháo binh: 2 lữ đoàn và 4 trung đoàn
    • Katyusha: 1 trung đoàn
    • Súng cối: 3 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Xe tăng: 5 trung đoàn
    • Pháo tự hành: 1 lữ đoàn và 6 trung đoàn
  • Tập đoàn quân 28 do trung tướng A. A. Luchinsky chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: 9 sư đoàn.
    • Pháo binh: 1 lữ đoàn và 2 trung đoàn
    • Katyusha: 1 lữ đoàn
    • Súng cối: 1 lữ đoàn và 2 trung đoàn
    • Pháo phòng không: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn
    • Xe tăng: 4 trung đoàn
    • Pháo tự hành: 4 trung đoàn
  • Tập đoàn quân 48 do trung tướng P. L Romanenko chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: 8 sư đoàn
    • Pháo binh: 1 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 1 trung đoàn
    • Súng cối: 1 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn
    • Xe tăng: 2 trung đoàn.
    • Pháo tự hành: 4 trung đoàn
  • Tập đoàn quân 65 do thượng tướng P. I. Batov chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: 8 sư đoàn và 1 lữ đoàn
    • Pháo binh: 1 sư đoàn, 2 lữ đoàn và 1 trung đoàn.
    • Súng cối: 2 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Xe tăng: 1 trung đoàn.
    • Pháo tự hành: 4 trung đoàn.
  • Cụm kỵ binh cơ giới do trung tướng I. A. Pliyev chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Kỵ binh: 9 sư đoàn:
    • Pháo binh: 3 trung đoàn và 2 tiểu đoàn
    • Súng cối: 5 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 3 trung đoàn
    • Xe tăng: 7 trung đoàn.
    • Pháo tự hành: 3 trung đoàn
  • Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 do thiếu tướng N. F. Panov chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Xe tăng: 3 lữ đoàn
    • Cơ giới: 1 lữ đoàn.
    • Pháo tự hành: 2 trung đoàn.
    • Súng cối: 1 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 1 trung đoàn
    • Trinh sát cơ giới: 2 tiểu đoàn
  • Quân đoàn xe tăng 9 do thiếu tướng B. S. Bakharov chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Xe tăng: 3 lữ đoàn.
    • Cơ giới: 1 lữ đoàn.
    • Pháo tự hành: 2 trung đoàn.
    • Súng cối: 1 trung đoàn.
    • Trinh sát cơ giới: 2 tiểu đoàn.
  • Tập đoàn quân không quân 16 do thượng tướng S. I. Rudenko chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Máy bay tiêm kích: 8 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Máy bay cường kích: 5 sư đoàn.
    • Máy bay ném bom: 5 sư đoàn
    • Máy bay vận tải, trinh sát, trợ chiến...: 3 trung đoàn
    • Pháo phòng không: 7 trung đoàn.

Chỉ đạo hoạt động của Phương diện quân Byelorussia 2 là Đại diện Đại bản doanh, Nguyên soái G. K. Zhukov.

Kế hoạch

Cựu đại tá SS kiêm nhà sử học Paul Karl Schmidt (hay Paul Carell), đã đánh giá tầm quan trọng của thành phố Bobruysk như sau:

Bobruysk là một đầu mối giao thông đường sắt và đường bộ quan trọng nằm ngay giữa vùng rừng và đầm lầy xung quanh sông Berezina.
— Paul Karl Schmidt, [6]

Vì vậy, không ngạc nhiên khi thành phố này là điểm trọng tâm trong kế hoạch tác chiến cũng như trong quá trình diễn biến chiến dịch Bobruysk.

Căn cứ vào kinh nghiệm của Chiến dịch Gomel-Rechitsa và lợi thế tạo được do kết quả của Chiến dịch Rogachev-Zhlobin, tướng K. K. Rokossovsky dự kiến mở hai mũi tấn công vào Bobruysk. Cánh phải gồm Tập đoàn quân 3, Tập đoàn quân 48 và Quân đoàn xe tăng 9 sẽ từ khu vực đầu cầu Toshitsa - Rogachev tấn công trực diện vào Bobruysk dọc theo đường bộ và đường sắt từ Rogachev và Zhlobin đi Bobruysk. Trong khi quân Đức lo đối phó với đòn tấn công trực diện đó thì cánh trái gồm Tập đoàn quân 28, Tập đoàn quân 65 và cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliev sẽ đánh một đòn vu hồi sâu lên phía Tây Bắc Bobruysk, đến ngã tư đầu mối đường sắt Osipovichi (Asipovichy), cắt đứt giao thông giữa Minsk với Bobruysk, giữa Bobruysk với Mogilev ở phía Bắc, với Slusk ở phía Tây và với Luninets ở phía Tây Nam. Cũng như trong chiến dịch Gomel-Rechitsa, tướng K. K. Rokossovsky hy vọng mũi tấn công của các tập đoàn quân 28, 65 và Cụm kỵ binh cơ giới trên hành lang giữa hai con sông Berezina và Ptichi sẽ loại bỏ được toàn bộ tuyến phòng thủ thứ hai của quân Đức dọc theo sông Berezina. Đòn vu hồi này cũng có nhiệm vụ bao vây cụm quân chủ lực của Tập đoàn quân 9 (Đức) gồm Quân đoàn xe tăng 41 và Quân đoàn bộ binh 35 đóng trên hai bờ sông Berezina.[7]

Trong quá trình tấn công, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev phải mở rộng phạm vi tấn công sang phía Tây để che chắn cho sườn trái của cánh quân chủ lực khi thực hiện các đòn đánh vu hồi. Hai tập đoàn quân 28 và 65 phải thực hiện một vòng vây kép phía Tây Bắc Bobruysk, ngăn chặn tất cả các đòn phản kích của quân Đức từ hướng Minsk xuống và các cuộc phá vây từ Bobruysk ra. Về sườn phải của Tập đoàn quân 3 thì tướng Rokossovsky không lo lắng nhiều vì theo kế hoạch hiệp đồng tác chiến chiến dịch, Tập đoàn quân 50 của Phương diện quân Byelorussia 2 trên hướng Chausy (Chavusy) - Bykhov sẽ đồng thời mở cuộc tấn công sang Klichev (Klichaw) và mối đe dọa của Quân đoàn bộ binh 12 (Đức) từ phía Bắc đối với sườn phải Tập đoàn quân 3 sẽ bị chế ngự. K. K. Rokossovsky giữ Quân đoàn xe tăng 1 làm thê đội dự bị với hai nhiệm vụ: tiêu diệt quân Đức trong vòng vây ở Bobruysk và phát huy chiến quả sau chiến dịch lên hướng Minsk.[1]

Trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến dịch, tướng A. V. Gorbatov đề nghị chuyển dịch mũi tấn công của Quân đoàn xe tăng 9 lên phía Bắc khoảng từ 25 đến 30 km. Mặc dù phải vượt qua rừng và một số đồng lầy trên khu vực Dobysno nhưng xe tăng sẽ không phải vượt sông trong hành tiến và tấn công. Đồng thời đây lại là nơi tuyến phòng thủ mỏng yếu hơn của quân Đức do chỉ có Trung đoàn 445 (Sư đoàn bộ binh 134) đóng giữ. Ý kiến này ban đầu bị tướng K. K. Rokossovsky kịch liệt phản đối vì nó tạo ra nguy cơ Quân đoàn xe tăng 9 không gắn kết được với Quân đoàn bộ binh 41 (Tập đoàn quân 3) do giãn cách rộng ra. Và như vậy, cánh phải của Tập đoàn quân 3 cũng sẽ phải dịch chuyển theo. Tuy nhiên, trong ngày đầu chiến dịch, do tốc độ tấn công rất chậm khi quân đội Liên Xô phải công phá các công sự dày đặc của Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) trên tuyến phòng thủ từ Kostyakovo đến Novo Kolosy, ý kiến của tướng A. V. Gorbatov đã được chứng minh là đúng và trên hướng tấn công mới, Tập đoàn quân 43 và Quân đoàn xe tăng 9 đã phát huy được sức mạnh đột kích của nó.[8]

Về kế hoạch tấn công trong chiến dịch Bobruysk, giữa K. K. Rokosovsky và I. V. Stalin có sự bất đồng. I. V. Stalin lo ngại rằng kế hoạch tấn công của K. K. Rokossovsky quá táo bạo vì Phương diện quân Byelorussia 1 có một trận tuyến dài đến trên 900 km từ Selets-Kholopeyev qua Zhlobin và Kapatkyevichi, xuyên qua đầm lầy Polesya và kết thúc ở phía Nam Koven. Vì vậy, có lúc I. V. Stalin đã bàn đến việc chia Phương diện quân Byelorussia 1 làm hai. Ông cho rằng việc chỉ huy một phương diện quân chiến đấu trên hai mặt trận cách xa nhau hơn 900 km là không thể. Tuy nhiên K. K. Rokossovsky, vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Ông chứng minh rằng dù trên hai hướng khác nhau với mặt trận kéo dài nhưng nó lại là lợi thế rất quan trọng của phương diện quân này, cho phép thực hiện những đòn vu hồi sâu và các cuộc bao vây lớn tại phía Tây Minsk trong giai đoạn sau, giai đoạn phát huy chiến quả của chiến dịch. Trong hồi ký của mình, K. K. Rokossovsky đã đề cập đến vấn đề này như sau:

Ngay khi tôi đang trình bày dự kiến của mình thì một rắc rối lớn đã xảy ra tại phương diện quân của P. A. Kurochkin (Phương diện quân Byelorussia 2 cũ). Ngày 15 tháng 5 năm 1944, quân Đức tổ chức tấn công chiếm lại Koven. Tôi chứng minh cho Stalin rằng nếu tổ chức tấn công đồng thời cả trên hai hướng Kovel và Bobruysk, quân Đức sẽ bị sa vào đầm lầy Polesya và sẽ bị bao vây tiêu diệt tại đó. Muốn vậy, cần phải có một giang đoàn mạnh hoạt động dọc sông Pripiat. Stalin nói ông đồng ý việc hợp nhất hai phương diện quân (Byelorussia 1 và Byelorussia 2 cũ) đồng thời hứa sẽ cùng với Bộ Tổng tham mưu xem xét đề nghị của tôi.
— K. K. Rokossovsky[3]

Trong buổi tranh luận, I. V. Stalin đã ba lần yêu cầu K. K. Rokossovsky "trở về và suy nghĩ lại", tuy nhiên cả ba lần Rokossovsky đều trả lời "Hai mũi đột phá, đồng chí Stalin, hai mũi đột phá." Sau lần thứ 3, I. V. Stalin đến bên cạnh K. K. Rokossovsky và đặt tay lên vai ông. Mọi người cho rằng Stalin sẽ giật đứt quân hàm trên vai của Rokossovsky, nhưng I. V. Stalin bỗng trả lời: "Sự tự tin của đồng chí đã thể hiện đánh giá đúng đắn của đồng chí." và chấp thuận kế hoạch của Rokossovsky.[9]

Paul Karl Schmidt đã nhận xét:

Không phải là không có một vài lời nhận xét châm biếm của Stalin về sự ương ngạnh của các tướng lĩnh của ông và mối nguy cơ đó không thể là ngụy tạo khi chính ông lại là người đảm nhận trách nhiệm cao nhất. Và về sau, Rokossovsky vẫn được phép tổ chức tấn công theo kế hoạch của riêng mình.
— Paul Karl Schmidt, [10]

Căn cứ vào kinh nghiệm Chiến dịch Stalingrad, K. K. Rokossovsky còn cho rằng không nên bao vây những lực lượng nhỏ quân Đức tại các bên sườn mà cần đánh thốc ngay đến Minsk để hợp vây một lực lượng quân Đức lớn hơn. Rất tiếc vì Đại bản doanh Liên Xô không đủ lực lượng dự bị cho kế hoạch ấy và thiếu các phương tiện tác chiến đường thủy ý đồ một cuộc hợp vây đẹp từ hướng Kovel đánh ngược vào phía Tây Minsk không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô vẫn coi chiến dịch trên hướng Kovel là một phần quan trọng của giai đoạn sau, khi quân đội Liên Xô đã giải phóng Minsk. Và chính mũi tấn công đó đã làm nên thành công của giai đoạn 3 Chiến dịch Bagration[11]

Nguyên soái G. K. Zhukov có lời nhận xét khác hơn về những gì xảy ra trong buổi tranh luận về kế hoạch tấn công của K. K. Rokossovsky:

Ở một vài giới quân sự có lời đồn đại về "hai mũi đột kích chủ yếu" trên hướng Byelorussia bằng lực lượng của Phương diện quân Byelorussia 1, và tựa như K. K. Rokossovsky đã giữ quan điểm này khi làm việc với Tổng tư lệnh tối cao. Điều đó là không có căn cứ.Cả hai mũi đột kích do phương diện quân đề ra đã được I. V. Stalin sơ bộ phê chuẩn từ ngày 20 tháng 5 theo dự án của Bộ Tổng tham mưu, tức là trước ngày tư lệnh Phương diện quân Byelorussia 1 đến Đại bản doanh.Phát biểu ở đây cũng không thừa rằng, trong lý luận quân đội Xô-viết không khi nào quy định một phương diện quân được mở hai mũi đột kích chủ yếu và nếu như cả hai mũi đột kích tương đương với nhau cả về lực lượng và ý nghĩa, thì thường gọi là "những mũi đột kích mạnh" hoặc "những cụm đột kích". Tôi nhấn mạnh chỗ này để khỏi có sự lầm lẫn trong thuật ngữ chiến dịch - chiến lược.
— G. K. Zhukov, [12]

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Cánh Nam của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm do thống chế Ernst Busch, từ ngày 27 tháng 6 do thống chế Walter Model chỉ huy. Trên địa bàn tác chiến có Tập đoàn quân 9 do trung tướng bộ binh Hans Jordan, đến ngày 27 tháng 6 là trung tướng xe tăng Nikolaus von Vormann chỉ huy. Biên chế gồm có:

  • Quân đoàn bộ binh 35 của Friedrich Wiese (đến ngày 25-6-1944) và thiếu tướng Kurt-Jürgen Freiherr von Lützow, thành phần gồm 6 trung đoàn bộ binh xung kích, 6 trung đoàn bộ binh, 5 trung đoàn pháo, 4 tiểu đoàn chống tăng, 1 tiểu đoàn cơ giới, 4 tiểu đoàn súng cối. Bố trí như sau:
    • Sư đoàn bộ binh 6 của tướng Walter Heyne đóng tại Zhlobin.
    • Sư đoàn bộ binh 45 của tướng Joachim Engel đóng tại Parichi.
    • Sư đoàn bộ binh 296 của tướng Arthur Kullmer đóng tại Bobruisk.
    • Sư đoàn bộ binh 383 của tướng Edmund Hoffmeister đóng ở Karpilovka.
  • Quân đoàn xe tăng 41 của thiếu tướng Edmund Hoffmeister, thành phần gồm 3 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn và 2 tiểu đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo tự hành, 1 cụm tác chiến sư đoàn, 3 trung đoàn pháo xe kéo, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn chống tăng, 1 trung đoàn phòng không., 2 tiểu đoàn súng cối. Bố trí như sau:
    • Sư đoàn xe tăng 20 của tướng Mortimer von Kessel đóng ở Bobruisk.
    • Sư đoàn bộ binh 134 của tướng Ernst Karl Julius Philipp đóng ở khu vực Klichev.
    • Sư đoàn cơ giới 36 của tướng Alexander Conrady đóng ở khu vực Glussk.
  • Quân đoàn bộ binh 55 của thiếu tướng Friedrich Herrlein, thành phần gồm 7 trung đoàn bộ binh, 1 cụm tác chiến sư đoàn, 3 trung đoàn pháo, 2 tiểu đoán pháo chống tăng, 2 tiểu đoàn cơ giới, 2 tiểu đoàn súng cối. Bố trí như sau:
    • Sư đoàn bộ binh 102 của thiếu tướng Werner von Bercken đóng ở Koptsevichi.
    • Sư đoàn bộ binh 292 của thiếu tướng Johannes Gittner đóng ở David-Gorodok.
    • Sư đoàn bộ binh 707 của chuẩn tướng Gustav Gihr đóng tại Zhidkovichi.
  • Các lực lượng trực thuộc tư lệnh tập đoàn quân:
    • Cụm quân bảo vệ hậu phương 532 của trung tướng Friedrich Gustav Bernhard, gồm có:
      • Sư đoàn an ninh 391, Trung đoàn an ninh 102, các tiểu đoàn cảnh vệ quốc gia 234, 350; Tiểu đoàn an ninh giao thông 239
      • Các trung đoàn lính Cossak 57 và 67.
      • Các tiểu đoàn an ninh người Nga 308, 553 và 675.
      • Các tiểu đoàn bộ binh người Thổ Nhĩ Kỳ 790 và 791.
    • Bộ binh: Các tiểu đoàn xung kích 10, 268; tiểu đoàn quân báo xung kích 4.
    • Pháo binh: Trung đoàn pháo hạng nặng 307 của thiếu tướng Max Lindig
    • Công binh: Các tiểu đoàn cầu 159, 255; các tiểu đoàn công trình 79, 576.
    • Thông tin: Trung đoàn 511
    • Hậu cần: Trung đoàn 531.

Riêng thành phố Bobruysk được tổ chức thành một Fester Platz, có chức năng như một cụm cứ điểm phòng thủ mạnh do chuẩn tướng Adolf Hamann chỉ huy.

Nhìn chung, so với Tập đoàn quân số 4 ở khu vực Mogilev - Minsk, Tập đoàn quân số 9 bao gồm các sư đoàn có chất lượng và sức chiến đấu kém hơn. Điều này có thể là do phán đoán của Bộ Tư lệnh tối cao lục quân Đức cho rằng địa hình phức tạp của khu vực này thuận lợi hơn cho việc phòng thủ.[13]

Kế hoạch

Trên thực tế, Tập đoàn quân số 9 đã nhận biết được nguy cơ về một cuộc tấn công lớn quân đội Liên Xô. Các lực lượng tuần tra của sư đoàn bộ binh số 134 (Đức) đã phát hiện mật độ tập trung binh lực lớn của quân đội Liên Xô tại khu vực của Quân đoàn bộ binh cơ giới 35 và Quân đoàn xe tăng 41. Theo đó mỗi trung đoàn của sư đoàn bộ binh số 134 (Đúc) sẽ phải đối mặt với 1 sư đoàn Liên Xô đủ biên chế (7.200 người)[14]. Trước tình hình này, tư lệnh Tập đoàn quân số 9, tướng Hans Jordan đã khẩn thiết yêu cầu cho phép được tổ chức rút lui chiến thuật để bảo toàn lực lượng, nhưng tất cả đều bị thống chế Ernst Busch - tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm - bỏ ngoài tai.[15]

Theo kế hoạch phòng thủ chung của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) tại Byelorussia, Tập đoàn quân 9 (Đức) bố trí phòng ngự trên khu vực phía trước Bobruysk thành hai tuyến. Tuyến ngoài từ Bykhov dọc theo sông Dniepr qua Rogachev, Zhlobin, sau đó rẽ sang phía Tây và kết thúc tại Parichi. Tuyến trong chạy dọc theo sông Berezina từ Parichi kéo lên phía Bắc, qua Bobruysk, Svisloch và nối với tuyến phòng thủ thứ hai của Tập đoàn quân 4 (Đức) tại phía Nam Berezino 20 km. Khu vực lõi của hệ thống phòng ngự này là Bobruysk được giao cho Sư đoàn xe tăng 20 và Sư đoàn bộ binh 298 trấn giữ với nhiệm vụ là lực lượng dự bị chiến dịch, sẵn sàng cơ động chi viện cho các hướng khác. Ngoài ra, quanh khu vực Bobruysk còn có các vị trí phòng thủ tại Bogushevka (???), Glebovka Rudnya (???), Krasnaya Dubrovka (Dubrova), Borubniki (???) do Cụm quân bảo vệ hậu phương 532 (Tập đoàn quân 9) trấn giữ với quân số tương đương 2 sư đoàn. Khu vực từ Parichi đến David Gorodok (Davyd Haradok) dài gấp đôi tuyến từ Bykhov đến Parichi nhưng lại chỉ có Quân đoàn bộ binh 55 có binh lực yếu nhất trong ba quân đoàn của Tập đoàn quân 9 phòng giữ. Các cụm phòng thủ lớn nhất trên hướng này được bố trí tại Parichi, Knyshevichi (???), Godyny (???), Karpilovka (???). Từ Kopatkevichi (Kapatkevicy) trên sông Oressa đến David-Gorodok chỉ có các cứ điểm lẻ trên các thị trấn và các gò đất nhô lên trong vùng rừng và đầm lầy Polesya. Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân 9 (Đức) cho rằng quân đội Liên Xô hầu như không thể triển khai tấn công lớn bằng các vũ khí hạng nặng trên khu vực rìa phía Đông vùng đầm lầy Polesya và họ đã phải trả giá cho nhận định không thực tế đó.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Bobruysk http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/16va/03.html http://militera.lib.ru/h/fuller/08.html http://militera.lib.ru/h/minasyan_mm/04.html http://militera.lib.ru/memo/russian/andreev_am/04.... http://militera.lib.ru/memo/russian/batov/08.html